Tại sao bạn cần Phân tích bản thân trước khi thay đổi công việc?

Phân tích bản thân

Thay đổi công việc là một quyết định lớn mà mỗi người đi làm công ăn lương luôn luôn cân nhắc và đắn đo khá nhiều; Đặc biệt là nếu công việc chúng ta đang làm có mức thu nhập tốt và ổn định, bạn đã có những mối quan hệ tốt với đồng nghiệp, với các phòng ban. 

Bạn sẽ phải lường trước các rủi ro phải đối diện, bao gồm cả việc có thể sẽ phải thất nghiệp trong một khoảng thời gian. Rồi liệu công việc mới có tốt hay không, môi trường làm việc mới có được như nơi mình đã từng gắn bó. Tuy nhiên, nhiều người vẫn quyết định thay đổi vì rất nhiều lý do khác nhau, có thể đơn giản chỉ là họ muốn bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân.

Vậy thì, khi bạn đã đưa ra được quyết định cuối cùng cho bản thân là phải thay đổi, thì bạn cần phải chuẩn bị rất nhiều thứ cho hành trình mới mẻ này. Trong đó bao gồm cả việc phải phân tích lại bản thân. Tại sao nó lại quan trọng? Cùng tìm hiểu bạn nhé!

Phân tích bản thân là gì?

Không có định nghĩa chuẩn cho việc này, nhưng theo mình phân tích bản thân là việc chúng ta dành thời gian để đánh giá lại điểm mạnh, điểm yếu của chính mình bằng một số công cụ mang tính khoa học, hoặc cũng có thể kết hợp với việc lắng nghe bản thân nhiều hơn để hiểu chính mình. 

Phân tích bản thân cũng chính là việc bạn tìm hiểu về chính bản thân bạn, bằng cách thu thập các dữ liệu bao gồm thông tin về các giá trị cá nhân mà bạn có, các sở thích của bạn, tính cách cá nhân của bạn và các năng khiếu trong con người bạn...

Ở đây mình cùng nhau xét ở phạm vi nghề nghiệp, tức là tìm ra vùng thiên tài để xem mình sẽ làm tốt ở vai trò, vị trí công việc nào? Việc phân tích bản thân thường được áp dụng từ giai đoạn các bạn tốt nghiệp cấp 3 và bắt đầu lựa chọn nghành nghề để học tiếp Cao đẳng, Đại học.

Và cũng có những người đi làm nhiều năm rồi, cũng đã đạt được một số thành tựu nhất định, nhưng bản thân họ vẫn luôn thấy thiêu thiếu cái gì đó, và họ muốn thay đổi. Lúc này, phân tích bản thân cũng sẽ là một công cụ để giúp họ vẽ lại con đường của mình một lần nữa; Trước khi quyết định chuyển sang một công việc mới, hoặc một lĩnh vực mới hoàn toàn để giảm thiểu tối đa rủi ro do cảm tính.

Tại sao cần phân tích bản thân trước khi thay đổi công việc?

Như mình đã nhắc đến ở trên, bước ra khỏi vùng an toàn, bỏ hết những thứ đang rất thuận lợi và quen thuộc chưa bao giờ là quyết định dễ dàng. Cho nên, việc bạn cần phân tích lại bản thân sẽ giúp bạn có bước chuyển đúng đắn hơn và đúng thời điểm hơn.

Năng lực và Động lực: Có hai yếu tố theo mình là quan trọng tạo nên sự thành công của một người đi làm đó là năng lực và động lực. Và đây cũng chính là hai yếu tố mà mình cần dành thời gian để phân tích, thấu hiểu chính mình. Bạn sẽ trả lời được câu hỏi: Tôi là ai? Tôi cần môi trường như thế nào? Chân dung người sếp mà tôi có thể gắn bó?

Năng lực (Competency) là kiến thức, kỹ năng, khả năng và hành vi mà một người đi làm cần phải có để đáp ứng yêu cầu công việc. Khi phỏng vấn tìm việc hoặc đánh giá kết quả công việc, người ta có thể dựa vào yếu tố này để so sánh người này tốt hơn người kia hay không?

Thông thường, ở vòng sàng lọc CV thì Năng lực thường được đánh giá thông qua bằng cấp, nền tảng giáo dục, kinh nghiệm làm việc tích luỹ qua các công việc đã làm của họ. Và để xác định chính xác phù hợp hay không sẽ có thêm các bài test chuyên môn,  phỏng vấn chuyên sâu các tình huống, cách giải quyết vấn đề, cách vượt qua áp lực, tư duy nghề nghiệp...

Động lực (Motivation): là tập hợp những nhân tố thúc đẩy cá nhân thực hiện một điều gì đó, nó có thể bắt nguồn từ bên ngoài như môi trường làm việc, sếp, đồng nghiệp, cơ hội thăng tiến, phần thưởng, ghi nhận...hoặc bên trong như vì lương, sự đam mê, sự đóng góp giá trị... Động lực đi làm của một nhân viên thường được đo đếm bằng tháp nhu cầu Maslow. 

Phân tích bản thân sẽ giúp bạn tìm lại một lần nữa Năng lực cốt lõi của mình, các kiến thức mình được học hỏi, kinh nghiệm tích luỹ đã đủ hay chưa? Nếu thiếu thì có thể bổ sung bằng các khoá học chuyên môn hoặc từ thực tế công việc, cuộc sống. 

Điểm chạm cảm xúc: Với những nhân viên mới đi làm thì mục tiêu của họ thường là được làm việc trong môi trường thực tế, được va chạm để học hỏi cách xử lý vấn đề, tích luỹ kinh nghiệm. Nhưng với những người đi làm lâu, khi thay đổi công việc họ sẽ quan tâm nhiều đến điểm chạm cảm xúc, họ có nhiều yêu cầu cao hơn. Hoặc mỗi người có một điểm chạm khác nhau: Có người thì cần môi trường chuyên nghiệp, đầy đủ quy trình; Có người thì thích chiến đấu ở các môi trường start up, linh hoạt, nhanh và luôn thách thức...

Việc nhận diện được điểm chạm cảm xúc của mình sẽ giúp bạn có thể chọn đúng sếp, đúng môi trường, đúng tính chất công việc để gắn bó, phát triển và giảm áp lực khi đi làm. Một số người thích những môi trường nhiều drama, nhưng có người thì họ sẽ bị mất năng lượng làm việc vì những điều đó - Ví dụ vậy.

Và rất nhiều yếu tố khác cần phân tích dựa trên độ thấu hiểu bản thân của bạn: Ví dụ như có bạn không thể gắn bó nếu đi làm quá xa, không làm việc được với những người quá trẻ...Thì cũng nên phân tích. Sau đó sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, tiêu chí nào là bắt buộc có khi bạn chuyển việc và tiêu chí nào không quá quan trọng.

Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng, phân tích bản thân đúng sẽ giúp bạn dễ dàng nhận diện chân dung các công ty phù hợp với bạn. Cũng tương tự như việc nhà tuyển dụng vẽ chân dung ứng viên để có thể tìm và chọn đúng người nhanh chóng, hiệu quả. Khi cả ứng viên và nhà tuyển dụng đều có bước tự phân tích chính xác thì khi gặp nhau sẽ như cá gặp nước.

Các công cụ tự phân tích bản thân tham khảo

Để có thể tự phân tích trước khi thay đổi công việc và đi phỏng vấn, bạn có thể tham khảo một số công cụ mình gợi ý sau đây. Lưu ý là không có công cụ nào hoàn hảo, nên bạn hãy xem nó mang tính chất tham khảo, hoặc kết hợp nhiều công cụ mà bạn cảm thấy đúng nhất.

Trò chuyện với chính mình: Sách Chatter - Trò chuyện với chính mình là sự kết tinh của những nghiên cứu khoa học mới nhất về bộ não và tâm trí con người. Nếu bạn đã từng cảm thấy bế tắc, tuyệt vọng, chán nản vì công việc, vì những mối quan hệ cũng như vô số những áp lực vô hình khác của cuộc sống hiện đại, bạn sẽ bất ngờ với lợi ích từ những phương pháp mà quyển sách này mang lại. Đó là bí quyết mà rất nhiều người thành công đã sử dụng, và khoa học đã chứng minh là nó hữu ích với mọi người: sử dụng tiếng nói nội tâm như một người dẫn đường tuyệt vời.

Công cụ MBTI: Là viết tắt của Myers - Briggs - Type - Indicator, đây là một phương pháp khám phá tính cách qua bộ câu hỏi trắc nghiệm 16 nhóm tính cách của 2 nhà khoa học Isabel Myers và Kathryn Briggs. Phương pháp này dựa vào câu trả lời của mỗi người cho các câu hỏi để suy ra những cá tính, tính cách riêng biệt của họ. 

Trắc nghiệm tính cách DISC: Được xây dựng dựa trên lý thuyết DISC của nhà tâm lý học William Moulton Marston - một luật sư và một nhà tâm lý học. Đây là một công cụ xác định tính cách của cá nhân mình hoặc người đối diện thông qua hành vi của họ trong một tình huống thực tế hay hệ thống câu hỏi cụ thể. 

Phân tích SWOT: Là công cụ giúp bạn tự đánh giá bản thân dựa trên 4 yếu tố Điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức. Từ đó có thể tận dụng điểm mạnh và cải thiện điểm yếu để nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp trong tương lai gần.

Việc thay đổi công việc sẽ thường khó và mất nhiều thời gian hơn tìm việc lần đầu. Việc tự phân tích, đánh giá lại bản thân giúp bạn không ngủ quên trên chiến thắng, thấu hiểu chính mình, giúp bạn có thời gian nhìn lại và chuẩn bị cho các bước tiến xa hơn.

Trên đây là một số nội dung chính mà mình đã cùng nhau tìm hiểu Tại sao bạn cần Phân tích bản thân trước khi thay đổi công việc? Mặc dù đã cố gắng kiểm tra kỹ nội dung cung cấp, tuy nhiên vẫn có thể có những sai sót nhỏ ngoài mong muốn, bạn có thể để lại phản hồi hoặc câu hỏi vào comment bên dưới để mình ghi nhận và giải đáp cho các bạn nhé! Trân trọng!



Bài viết liên quan