Cách đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng

Trong bài học Bắt mạch các câu hỏi thường gặp của nhà tuyển dụng, chúng ta đã cùng tìm hiểu cấu trúc chung của một buổi phỏng vấn, các nhóm câu hỏi mà Nhà tuyển dụng thường hỏi ứng viên để có thể chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Và một phần khác không kém phần quan trọng trong buổi phỏng vấn chưa được nhắc đến, đó là phần đặt câu hỏi với Nhà tuyển dụng. Mình sẽ cùng nhau làm rõ trong bài học này bạn nhé!

Bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi hay không mang ý nghĩa gì?

Khi bắt đầu buổi phỏng vấn, ứng viên sẽ thường được đề nghị giới thiệu về bản thân, đây có thể không phải là một phần bắt buộc; Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng thường áp dụng vì nó như kiểu giúp mở đầu câu chuyện, giúp hai bên hiểu nhau, tạo không khí thoải mái cho buổi phỏng vấn.

Đồng thời, trước khi kết thúc buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ dành một khoảng thời gian cho ứng viên được đặt câu hỏi. Mục đích của phần này nhằm giúp ứng viên làm rõ thêm các thông tin đã trao đổi trong xuyên suốt buổi phỏng vấn, hoặc tìm hiểu các vấn đề mà họ quan tâm nhưng chưa được nhắc đến.

Và thông qua cách đặt câu hỏi của ứng viên, nhà tuyển dụng có thể hiểu thêm họ đang quan tâm nhiều đến vấn đề gì khi bắt đầu công việc mới, kỹ năng của ứng viên, mức độ quan tâm của họ đến vị trí đang ứng tuyển...Và ngược lại, cách mà nhà tuyển dụng thể hiện ở phần này như thái độ chia sẻ, thông tin chia sẻ đầy đủ rõ ràng hay không...Cũng là một phần rất quan trọng giúp ứng viên hiểu về công ty, hiểu về công việc để ra quyết định công việc, công ty có phù hợp với bạn hay không.

Các lưu ý khi đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng

Bạn sẽ không bị giới hạn bất kỳ câu hỏi nào khi trao đổi với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, cần tránh các câu hỏi ngớ ngẫn hoặc các câu hỏi mà bạn có thể tự tìm hiểu được; Chỉ nên tận dụng nó để tập trung tìm hiểu các vấn đề quan trọng liên quan đến việc ra quyết định của bạn.

Tập trung câu hỏi vào các vấn đề chính bạn quan tâm: Chẳng hạn trong quá trình phỏng vấn, nhà tuyển dụng vẫn chưa làm rõ cho bạn về các quy định của công ty như: Thời gian làm việc, ngày nghỉ, quản lý trực tiếp, mô tả công việc, các chính sách phúc lợi...Vì ngoài lương, thì các vấn đề liên quan đến môi trường làm việc cũng rất quan trọng.

Đừng bình phẩm chế độ công ty: Không phải công ty nào cũng có chính sách rõ ràng; Cho nên, đây chính là cơ hội để bạn hỏi và tự đưa ra đánh giá về chế độ, tính minh bạch của công ty. Tuy nhiên, bạn cần hạn chế cách đặt câu hỏi kiểu điều tra, hay phản ứng kiểu chê hay không ưng với chính sách công ty đang áp dụng, hay so sánh nó với công ty cũ; Điều này sẽ làm cho bạn mất điểm với nhà tuyển dụng dù phản ứng của bạn là vô ý, nếu bạn thấy không phù hợp thì có thể dùng quyền từ chối offer.

Hãy hỏi về quy trình phản hồi kết quả phỏng vấn: Thông thường, các nhà tuyển dụng sẽ chủ động nói về điều này với ứng viên. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp họ quên thì bạn nên chủ động hỏi phần này để đảm bảo có thể sắp xếp thời gian nhận việc, hoặc sắp xếp lịch phỏng vấn với các công ty khác.

Đừng trả lời Không khi được đề nghị đặt câu hỏi ở phần này: Có thể bạn được phỏng vấn với một nhà tuyển dụng rất chuyên nghiệp, hầu như tất cả các vấn đề đều đã được làm rõ. Tuy nhiên, ít nhiều cũng sẽ có phần mà bạn cần khai thác thêm. Nên đòi hỏi bạn thực sự tập trung trong từng chi tiết phỏng vấn, mới có thể đưa ra được câu hỏi hay và thực tế ở phần này. Nó đồng nghĩa với việc là bạn đừng đặt câu hỏi cho có theo các câu hỏi mẫu mà bạn đã tìm hiểu trên internet.

Có nên hỏi về lương và Cơ hội thăng tiến?

Nhiều bạn ứng viên hoặc nhiều Nhà tuyển dụng thường xem đây là câu hỏi nhạy cảm nên thường né tránh. Tuy nhiên, theo mình thì đây là 2 câu hỏi nên được đề cập đến trong buổi phỏng vấn; Quan trọng là hỏi đúng thời điểm hay không?

Trên các thông tin tuyển dụng một vị trí nào đó, công ty sẽ đăng thu nhập nằm trong khoảng, ví dụ là từ 15 - 20 triệu/tháng; Hoặc có vị trí chỉ để là mức lương thoả thuận. Cho nên, nếu là công ty có chế độ minh bạch rõ ràng, họ sẽ sẵn sàng chia sẻ với ứng viên trong vòng phỏng vấn đầu tiên hoặc là buổi phỏng vấn thứ 2.

Nếu bạn vẫn chưa có thông tin đầy đủ về mức lương trong lần phỏng vấn thứ 2 thì hãy chủ động hỏi về điều này. Vì cơ bản, mức thu nhập phù hợp mới có thể nói chuyện tiếp được chứ không thể qua loa hay nhập nhằng việc này. Ngay cả việc bạn là sinh viên mới ra trường và xác định rõ đi làm lấy kinh nghiệm, không quan tâm về thu nhập thì cũng cần hỏi để nắm, chứ không phải hỏi để thương lượng thêm bớt nên bạn không cần ngại. 

Nếu nhà tuyển dụng có vẻ mập mờ, khó chịu khi bạn hỏi về việc này thì bạn cũng hãy cân nhắc lại có nên làm cho công ty đó hay không. Nhưng như mình đã nói, quan trọng là thời điểm đặt câu hỏi; Sau khi đã tìm hiểu về công việc, về môi trường...thì việc đặt câu hỏi về lương không có gì là sai cả bạn nhé!

Nhiều bạn cũng quan tâm đến Cơ hội thăng tiến thì cũng có thể hỏi; Vì đa số các công ty đều có xây dựng một lộ trình nghề nghiệp cho nhân viên, nó thể hiện bạn có sự quan tâm rất nghiêm túc với vị trí này và công ty đang phỏng vấn. Đây cũng là phần mà đa số các công ty đều show ra để thu hút ứng viên, có thể họ chỉ nói sơ qua trong buổi phỏng vấn, sau đó sẽ làm rõ lại trong buổi Hội nhập nhân viên mới (Orientation Programs).

Có nên học thuộc các câu hỏi mẫu để đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng?

Không có câu hỏi mẫu nào có thể đúng hoàn toàn cho bạn, và có thể nó làm bạn bị đóng khung trong những gợi ý đó; Hoặc bị bối rối khi được nhà tuyển dụng đề nghị đặt câu hỏi ở phần này. Bạn chỉ nên đọc qua các câu hỏi mẫu để tham khảo các vấn đề liên quan mà mình có thể sẽ hỏi trong phần này mà thôi.

Hãy đặt câu hỏi đúng thực tế, đúng với tình huống mà bạn đi phỏng vấn, tận dụng để làm rõ các vấn đề mà bạn quan tâm, hoặc nhà tuyển dụng quên nhắc đến. Cho nên quan trọng nhất ở phần Cách đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng này đó là thời điểm bạn đặt câu hỏi, thái độ bạn đặt câu hỏi...để làm sao thể hiện được sự quan tâm thực sự với công việc đang phỏng vấn. Nếu áp dụng đúng thì đây sẽ là điểm cộng cho bạn trong mắt nhà tuyển dụng.

Nếu nhà tuyển dụng quên phần này thì bạn cũng có quyền chủ động đề nghị để mình được đặt vài câu hỏi. Hãy đảm bảo là sau buổi phỏng vấn bạn đã có nhiều thông tin mình cần, có phù hợp với định hướng của bạn không để cân nhắc quyết định nhận offer. Bởi vì ngoài việc công ty từ chối bạn, thì bạn cũng có quyền ngược lại. Chứ sau một đến hai buổi phỏng vấn rồi mà bạn vẫn còn mù mờ về công việc, công ty; Thì cả bạn và nhà tuyển dụng đang làm mất thời gian của nhau và sẽ khó có một cái kết tốt đẹp dù có hợp tác hay không.

Trên đây là một số nội dung chính mà mình đã cùng nhau tìm hiểu về chủ đề Cách đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng. Mặc dù đã cố gắng kiểm tra kỹ nội dung cung cấp, tuy nhiên vẫn có thể có những sai sót nhỏ ngoài mong muốn, bạn có thể để lại phản hồi hoặc câu hỏi vào comment bên dưới để mình ghi nhận và giải đáp cho các bạn nhé! Trân trọng!

Bài viết liên quan