Bắt mạch các câu hỏi thường gặp của nhà tuyển dụng
Trong bài học 6 bước chuẩn bị cho buổi phỏng vấn thành công, mình đã có tìm hiểu qua các tình huống sẽ gặp trong buổi phỏng vấn. Hôm nay mình sẽ làm rõ hơn một lần nữa cấu trúc chung của một buổi phỏng vấn, một số câu hỏi kinh điển thường gặp của nhà tuyển dụng để có thể chuẩn bị tốt hơn. Cùng tìm hiểu bạn nhé!
Cấu trúc chung của một buổi phỏng vấn
Mỗi nhà tuyển dụng sẽ có một phong cách phỏng vấn khác nhau, đôi khi phụ thuộc vào kinh nghiệm và năng lực cá nhân của họ. Tuy nhiên, về tổng quan một buổi phỏng vấn đều sẽ bao gồm 3 phần chính như sau:
Mở đầu buổi phỏng vấn: Nhà tuyển dụng sẽ dành thời gian để hai bên làm quen, tìm hiểu về nhau nhằm tạo không khí thoải mái, cởi mở trước khi bắt đầu phần phỏng vấn chính thức. Một số nhà tuyển dụng còn dẫn ứng viên đi tham quan một vòng công ty, khu vực làm việc trước khi phỏng vấn để tạo sự tin tưởng về môi trường, văn hoá công ty.
Phần đánh giá kinh nghiệm và phỏng vấn chuyên môn: Phần này thì nhà tuyển dụng sẽ tập trung khai thác về các kinh nghiệm làm việc, thành tích đạt được bằng cách dùng nhiều câu hỏi tình huống để xác minh thông tin ứng viên cung cấp, bao gồm trong quá khứ và tình huống tương lai.
Phần mở rộng và kết thúc: Sau khi đánh giá năng lực, kinh nghiệm thì nhà tuyển dụng sẽ có các câu hỏi về tính cách, điểm mạnh, điểm yếu...để đánh giá xem bạn có phù hợp với văn hóa công ty họ hay không. Bên cạnh đó, các kiến thức về chính trị, xã hội, văn hóa, thể thao...vẫn có thể được nhắc đến, phần này mang yếu tố điểm cộng. Tuy nhiên, nó cũng góp phần vào quyết định bạn có được chọn hay không?
Dựa trên cấu trúc chung của một buổi phỏng vấn này, sẽ có những bộ câu hỏi đi kèm mà nhà tuyển dụng hay sử dụng để phỏng vấn ứng viên. Một số nhà tuyển dụng có tư duy mở, hiện đại thì họ sẽ khá linh hoạt trong việc hỏi và đánh giá ứng viên; Tuy nhiên, đại đa số thì vẫn dựa trên những mô-típ quen thuộc từ xưa đến nay. Và mình nhóm lại thành ba nhóm lớn để các bạn dễ nắm bắt.
Nhóm câu hỏi đánh giá tính cách cá nhân, mức độ phù hợp văn hoá
Trong phần này, nhà tuyển dụng sẽ tập trung khai thác các thông tin cá nhân, thông tin gia đình; Trình độ học vấn, các bằng cấp chuyên môn; Điểm mạnh, điểm yếu, cách vượt qua áp lực, cách giải quyết vấn đề, các mâu thuẫn với đồng nghiệp và sếp cũ, cách bạn đã nghỉ việc trước đây, cách bạn đánh giá một vấn đề trong xã hội...Nên bạn có thể tự đưa ra thêm các câu hỏi để chuẩn bị ngoài các câu hỏi gợi ý bên dưới.
1/ Hôm nay tình hình giao thông thế nào?
2/ Bạn mất bao lâu từ nhà đến đây tham gia buổi phỏng vấn ngày hôm nay?
3/ Bạn có chia sẻ với bạn bè, người thân về buổi phỏng vấn ngày hôm nay không?
4/ Trong gia đình ai là người đưa đón con? Khi có sự cố đột xuất thì bạn thường nhờ ai hỗ trợ trong trường hợp này.
5/ Những câu hỏi liên quan đến sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi cũng thường được các công ty start up khá chú trọng.
6/ Điều gì khiến bạn cảm thấy khó khăn khi phải làm việc chung team với một đồng nghiệp bạn không thích?
7/ Buổi tiệc chia tay của bạn ở công ty cũ đã diễn ra như thế nào? Điều gì làm bạn ấn tượng nhất về buổi chia tay đó?
8/ Nếu được lựa chọn, thì các định nghĩa về một người sếp tốt của bạn sẽ như thế nào?
9/ Bạn đánh giá như thế nào về thị trường chứng khoán hiện nay?
10/ Bạn có thể chia sẻ thêm về lý do bạn đã nghỉ việc ở công ty cũ?
Nhóm câu hỏi đánh giá chuyên môn, kinh nghiệm làm việc
Trong phần này, nhà tuyển dụng sẽ tập trung khai thác các dữ liệu để xác minh thông tin về chuyên môn và kinh nghiệm làm việc bạn cung cấp có chính xác không? Hay bạn đang tô vẻ những điều không có thật. Đồng thời, sẽ có các tình huống giải định để xem xét thêm bạn sẽ ứng dụng kinh nghiệm đã có vào công ty của họ như thế nào? Ở phần này, do liên quan sâu đến đặc thù nghành nghề, nên mình sẽ đưa ra các câu hỏi ví dụ với giả định bạn ứng viên đang tìm việc vị trí Chuyên viên C&B (C&B Executive).
1/ Để nhận việc với vai trò là một C&B Executive ở một công ty quy mô nhỏ, theo bạn thì bạn sẽ cần người quản lý cung cấp những thông tin dữ liệu gì để tiếp cận công việc nhanh chóng nhất.
2/ Nếu công ty hiện tại chưa có Quy trình tính lương thì bạn sẽ phải xử lý như thế nào?
3/ Trong công việc C&B có rất nhiều nhiệm vụ khác nhau như: Tính lương, BHXH, Thuế TNCN, Quan hệ lao động, Báo cáo và phân tích chi phí nhân sự, Đánh giá Performance...Bạn thấy mình mạnh nhất khi làm phần nào?
4/ Hãy kể về một tình huống cụ thể bạn đã tính sai lương ở công ty trước đây? Bạn đã giải quyết nó như thế nào? Hậu quả để lại là gì?
5/ Khi công ty thay đổi chính sách lương, bạn sẽ tham gia cùng với ai để thực hiện nhiệm vụ này? Cụ thể trách nhiệm của bạn trong team khi đó?
6/ Hãy kể một số thuận lợi và khó khăn mà bạn đã gặp khi làm việc với cơ quan Bảo hiểm xã hội gần nhất?
7/ Sếp, quản lý trực tiếp đóng vai trò như thế nào trong việc giúp bạn hoàn thành công việc hàng tháng của mình?
8/ Khi sếp yêu cầu bạn ra quyết định sa thải đối với một nhân viên thuộc dự án bạn quản lý nhưng chưa đảm bảo các điều kiện của Luật lao động hiện hành, bạn sẽ xử lý thế nào?
9/ Hãy kể về một tình huống mà bạn trực tiếp hoặc tham gia với vai trò hỗ trợ để truyền thông chính sách lương mới đến các nhân viên thuộc dự án bạn phụ trách?
10/ Team C&B thường làm việc với Phòng Kế toán, bạn đánh giá như thế nào về sự phối hợp công việc này?
Nhóm câu hỏi deal lương
Thông thường ở mỗi công ty đều đã có một khung lương cho từng vị trí, cấp bậc. Tuy nhiên, họ vẫn sẵn sàng chi trả vượt khung trong một giới hạn nào đó nếu ứng viên được đánh giá cao hoặc thực sự phù hợp. Để có thể thoải mái trả lời trong phần này thì bạn cứ mạnh dạn trao đổi mức mong muốn của bạn. Bởi vì khi đi phỏng vấn, bạn cũng đã có cho mình mức lương tối thiểu sẽ chấp nhận, mức lương kỳ vọng...
Cho nên vấn đề ở phần này đó là dựa trên mô tả công việc, các nhiệm vụ và thời gian làm việc mà bạn sẽ trao đổi một mức phù hợp để không bị hớ so với mức thị trường hoặc khả năng chi trả của doanh nghiệp. Ví dụ, công ty yêu cầu làm cả thứ 7 thì bạn có thể chấp nhận mức khác, công việc thường xuyên phải xử lý ngoài giờ, công việc được làm việc theo chế độ linh hoạt (hybrid) thì bạn sẽ có thể chấp nhận mức khác...Các câu hỏi thường gặp ở phần này như sau:
1/ Bạn đã có tham khảo mức thu nhập cho vị trí này mà công ty chúng tôi có public trên tin tuyển dụng chưa?
2/ Bạn có thể chia sẻ mức thu nhập ở công ty cũ mà bạn đã được nhận?
3/ Nếu chúng tôi có đề nghị chia sẻ các thông tin cụ thể về lương (payslip chẳng hạn) ở công ty trước thì bạn có sẵn lòng hay không?
4/ Chế độ phúc lợi mà bạn cảm thấy thích nhất khi làm ở công ty cũ là gì?
5/ Bạn nghĩ như thế nào về ngày chi lương là ngày 5 của tháng tiếp theo?
6/ Mức lương kỳ vọng của bạn đưa ra ngày hôm nay là dựa trên những yếu tố nào?
Tất nhiên, bạn có quyền từ chối tế nhị và đưa ra lý do phù hợp với những câu hỏi liên quan đến yếu tố cá nhân hoặc bảo mật như là yêu cầu chia sẻ lại phiếu lương ở công ty cũ, hay là yêu cầu kiểm tra tham chiếu (check reference) về lương với quản lý cũ...Đây không thể xem là yêu cầu bắt buộc, và bạn có thể từ chối offer nếu không đồng tình điều này. Còn bạn vẫn muốn nhận job này thì không có cách nào khác là thuyết phục họ hoặc chấp nhận yêu cầu.
Trên đây là một số câu hỏi tham khảo, và mình không có đưa ra câu trả lời gợi ý cho nó bởi vì mình không muốn đóng khung các bạn trong một cách hay câu trả lời cụ thể nào. Bạn không cần học thuộc để khi đi phỏng vấn như là trả bài. Mà hãy là chính bạn, trả lời thực tế và có chọn lọc, có sự chuẩn bị bằng cách hệ thống hoá lại các dữ liệu để khi trình bày có logic và khoa học, có dữ liệu đầy đủ chứ không chỉ nói suông.
Có phải nhà tuyển dụng nào cũng chuyên nghiệp
Câu trả lời là "Không" bạn nhé! Đôi khi, những ứng viên có kinh nghiệm họ lại phải là người làm chủ các tình huống trong buổi phỏng vấn để tránh bị sa đà bởi các câu hỏi lan man của nhà tuyển dụng non kinh nghiệm hoặc thích thể hiện.
Với kinh nghiệm của mình, thì tất cả các câu hỏi của nhà tuyển dụng đưa ra đều có chủ ý khai thác một thông tin nhất định theo ý họ muốn, chứ không phải họ hỏi lung tung hay muốn khai thác đời tư của bạn. Mà nếu có thì chỉ là một tỷ lệ rất rất ít, hoặc các bạn tay ngang mới làm tuyển dụng chưa có nhiều kỹ năng mà thôi.
Vẫn còn không ít nhà tuyển dụng vẫn thể hiện phong cách "bề trên", xem mình có quyền hơn ứng viên trong buổi phỏng vấn, đưa ra những câu hỏi và yêu cầu vô lý nhưng lại không thu thập được gì nhiều để đánh giá ứng viên mà sẽ hơi cảm tính, coi thái độ biết điều là tiêu chí vào vòng trong. Tuy nhiên, trường hợp này không quá nhiều bạn nhé!
Khi bạn đủ kỹ năng để nhận diện nhà tuyển dụng chuyên nghiệp hay không, thì tuỳ thuộc vào mức độ bạn quan tâm đến công việc mà có cách ứng phó phù hợp. Đôi khi còn phải làm chủ cảm xúc để không "bật" ngược lại nhà tuyển dụng; Đặc biệt là tuyệt đối tránh việc tranh cãi trực diện về một quan điểm nào đó.
Hãy trình bày kinh nghiệm làm việc theo phương pháp Kể chuyện bằng dữ liệu (Data storytelling)
Việc nắm cấu trúc một buổi phỏng vấn và các câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn sẽ giúp bạn chuẩn bị mọi thứ một cách tốt hơn, có thời gian hệ thống hoá lại các kiến thức, kinh nghiệm sao cho logic và kể nó thành một câu chuyện mạch lạc bằng dữ liệu (Data storytelling)
Tức là với một tình huống trong quá khứ, bạn nên đi kèm với các dữ liệu kiểu như là: Vào khoảng thời gian nào; Lúc đó team bạn quản lý có bao nhiêu người; Bạn đóng vai trò gì trong team; Các bạn mất bao lâu để đưa ra giải pháp; Những sai lầm trong quá trình làm; Cách bạn đã xử lý; Kết quả hoàn thành là bao nhiêu %; Đúng hay trễ kế hoạch bao nhiêu ngày; Bài học rút ra lúc đó...
Như đã nhấn mạnh ở trên, trình bày kinh nghiệm làm việc theo phương pháp Kể chuyện bằng dữ liệu (Data storytelling) sẽ giúp nhà tuyển dụng có cái nhìn tổng quan và đánh giá cao kinh nghiệm, tính thực tế của bạn dựa trên dữ liệu chứ không phải bạn đang kể một câu chuyện cổ tích và không có các thông tin cụ thể.
Có hay không các câu hỏi phỏng vấn "quái" như trên tiktok hay chia sẻ?
Rất nhiều video, bài viết chia sẻ về các câu hỏi quái khi đi phỏng vấn như là: Khi 2 người không biết bơi rơi xuống biển, trong đó có mẹ bạn và người yêu của bạn thì bạn sẽ cứu ai; Hay là Tổng giám đốc đóng giả cô lao công, anh giữ xe để thử lòng các ứng viên đến phỏng vấn...Có thể vẫn được áp dụng ở một số vị trí công việc, một số công ty thôi chứ không phải bạn luôn phải chuẩn bị cho các tình huống này, hay sẽ phải xử lý theo cách và các bài viết, các tiktoker chia sẻ đâu bạn nha.
Với các dạng câu hỏi phỏng vấn hay tình huống thử thách như vậy, bạn chỉ cần thể hiện đúng là bạn, đưa ra giải pháp và cách xử lý mà bạn cho là hợp lý nhất. Nếu có, thì những cách phỏng vấn này nhằm mục đích đánh giá sự linh hoạt trong xử lý vấn đề của bạn có phù hợp với văn hoá công ty họ hay không; Nên sẽ không có câu trả lời nào chính xác hoàn toàn cho các câu hỏi đánh đố này. Nên hãy nhớ, các hướng dẫn về câu hỏi khó đó chỉ mang tính chất tham khảo, giải trí thôi.
Thực ra, phỏng vấn là khoảng thời gian để hai bên tìm hiểu nhau, có phù hợp để đi đường dài với nhau để cùng hướng tới một giá trị, một mục tiêu chung hay không? Nên bạn không cần cố biến mình thành một phiên bản khác đời thực trong buổi phỏng vấn; Vì bạn có qua được vòng phỏng vấn nhưng sau đó vào làm việc không phù hợp thì cũng khó gắn bó lâu dài. Hãy luôn là chính mình!
Trên đây là một số nội dung chính mà mình đã cùng nhau tìm hiểu về chủ đề Bắt mạch các câu hỏi thường gặp của nhà tuyển dụng. Mặc dù đã cố gắng kiểm tra kỹ nội dung cung cấp, tuy nhiên vẫn có thể có những sai sót nhỏ ngoài mong muốn, bạn có thể để lại phản hồi hoặc câu hỏi vào comment bên dưới để mình ghi nhận và giải đáp cho các bạn nhé! Trân trọng!
Join the conversation