Sinh viên có nên đi làm thêm không?

Nhiều bạn đặt câu hỏi với mình rằng: Em mới vừa tốt nghiệp và đang làm CV phỏng vấn xin việc, vậy mục kinh nghiệm làm việc em nên ghi như thế nào?

Tôi hỏi: Quá trình đi học em có đi làm thêm hay tham gia các hoạt động đoàn trường, các công tác xã hội không? Đồ án thực tập và quá trình đi thực tập thực tế doanh nghiệp em có gì nổi trội hay không?

Em trả lời: Dạ không, em chỉ tập trung học 100% để lấy tấm bằng xuất sắc thôi ạ. Nên không có thời gian đi làm thêm, cũng như không đầu tư nhiều cho thời gian thực tập mà chỉ làm theo yêu cầu của trường để hoàn thành chương trình thôi ạ. Vậy câu hỏi đặt ra là sinh viên có nên đi làm thêm hay không?

Thật ra, sẽ không có câu trả lời chính xác cho mọi đối tượng, mọi tình huống khác nhau. Nên, mình xin đưa ra các lợi ích của việc đi làm thêm khi còn là sinh viên để các bạn tự xem xét theo thực tế cá nhân của bạn. Hy vọng bạn sẽ có một quyết định phù hợp và chính xác cho mình nhé!

Đi làm thêm cho bạn một trải nghiệm về môi trường làm việc thực tế

Có thể đó chỉ là một công việc làm thêm, nhưng cách bạn phải tuân thủ giờ giấc, các quy định về đồng phục, nội quy tại nơi làm sẽ cho bạn một thói quen về việc đúng giờ. Và hình thành cho bạn một tác phong chuyên nghiệp hơn ở môi trường công sở. Bạn sẽ phải học cách sắp xếp và quản lý thời gian tốt hơn mới có thể vừa học vừa làm.

Khi đi làm, bạn sẽ nhận ra một sai lầm của mình không đơn giản như một lần đi thi lại của thời sinh viên. Mọi thứ đều phải tuân theo nguyên tắc làm đúng ngay từ đầu trong tất cả các khâu. Phải toàn tâm toàn ý tập trung vào nó để đạt mục đích cuối cùng là hoàn thành công việc đề ra. Khi bạn làm một thời gian đủ lâu, nó sẽ hình thành một kỹ năng trong bạn, đó là luôn đặt kết quả công việc lên hàng đầu.

Khi đi làm, bạn được tiếp xúc với case thực tế như va chạm công việc với đồng nghiệp. Hoặc có nhiều tình huống trớ trêu như: bạn thấy có người đi làm chỉ tỏ ra siêng năng trước mặt sếp, thời gian còn lại thì xem phim chơi game; Còn có người thì ngược lại, họ làm tất cả chỉ vì đam mê. Bạn hiểu hơn được mô trường công sở là như thế nào để sau này ra trường đi làm không bị sốc hoặc bỡ ngỡ, lạ lẫm.

Nâng cao kỹ năng giao tiếp và xử lý tình huống

Sinh viên đi làm thêm đôi khi là các công việc đơn giản như làm phục vụ. Ví dụ một tình huống thường xảy ra như bạn vô tình làm đổ ly cafe lên áo khách. Khi đó có thể bạn sẽ rất lo lắng, cúi đầu đứng yên nghe khách chửi và không phải phải xoay sở ra sao, xử lý thế nào? Bạn tự nhủ lòng cùng lắm mai trốn nghỉ việc luôn là xong. Hoặc có bạn còn trả treo lại khách và chọn cách đền tiền, làm gì ghê vậy. 

Khi bạn có đi làm và có va chạm thực tế rồi. Bạn sẽ hiểu một lời xin lỗi chân thành lại đáng giá hơn và vẫn giữ được khách vì đó là hành động sơ ý. Có đi làm rồi, bạn mới thấy là khi làm sai bạn phải học cách nhận lỗi, đối diện với nó để tìm cách giải quyết thay vì tránh né hoặc giấu diếm vì có thể gây ra các hậu quả dây chuyền nghiêm trọng khác sau này. Tất nhiên mình không nói đến các tình huống đấu đá, triệt hạ nhau ở một số công ty, vì nó là số ít và thuộc phạm trù khác.

Làm đẹp CV của bạn khi ra trường đi tìm việc

Khi sinh viên đi làm thêm các công việc dù chưa đúng chuyên nghành, ít nhiều vẫn được rèn luyện kỹ năng giao tiếp và xử lý tình huống, giúp họ trở nên thực tế và linh hoạt hơn. Thay vì chỉ toàn nhìn thấy màu hồng như những bạn khác. Nên trong thực tế làm Nghề nhân sự, khi phỏng vấn các bạn sinh viên mới ra trường, mình hay chú ý đến các yếu tố này xem như là điểm cộng cho các bạn ấy.

Hiện tại, rất nhiều công ty và các tập đoàn đa quốc gia đã rất cởi mở trong việc tuyển dụng các bạn sinh viên vào các chương trình Thực tập sinh tiềm năng của họ để đào tạo đội ngũ kế thừa. Tuy nhiên, bạn phải đáp ứng các yếu tố đầu vào khá cao và các bài phỏng vấn tình huống. Cho nên, với kỹ năng bạn có được trong quá trình đi làm thêm cũng là một lợi thế tuyệt vời bổ sung cho kiến thức chuyên môn mà bạn đã học ở trường.

Có thêm một khoản thu nhập

Với một số bạn, tiền tiêu còn không hết thì cần chi làm thêm. Nhưng thực sự cảm giác lần đầu tiên bạn cầm số tiền do chính bạn làm ra bằng mồ hơi và nước mắt thì nó có cảm giác khác lắm, đó mới là hạnh phúc thực sự. Đôi khi tiền ba mẹ cho hàng tháng không cho bạn được cảm giác này đâu. 

Với một số bạn, làm ra chút tiền khi còn đi học sẽ giúp bạn trân trọng giá trị của đồng tiền của cha mẹ hơn mà cố găng học hành. Đồng thời, bạn sẽ có thêm một khoản nhỏ để làm những điều mình thích. Và sẽ sớm chủ động lên kế hoạch nghiêm túc cho tương lai của mình.

Còn với những bạn khác, làm thêm là điều bắt buộc vì điều kiện kinh tế. Nếu bạn thực sự rơi vào trường hợp này thì phải nỗ lực gấp đôi những người bình thường. Đồng thời, những giai đoạn quan trọng của thời sinh viên như: thi học kỳ, làm đồ án, đi thực tập...bạn có thể sử dụng phương pháp đòn bẫy tài chính như vay tiền của hội khuyến học, ngân hàng chính sách xã hội...để đảm bảo việc học vẫn là quan trọng nhất bạn nhé!

Các lưu ý khi đi làm thêm

Nếu có thể, bạn hãy nên chọn các công việc làm thêm ít nhiều có liên quan đến chuyên nghành đang học và định hướng nghề nghiệp sẽ theo đuổi sau khi ra trường sẽ tốt hơn. Ví du: Bạn có thể đi làm phục vụ bàn nếu học quản trị nhà hàng khách sạn, lễ tân; Chọn làm nhân viên bán hàng siêu thị nếu sau này bạn đang theo đuổi công việc sales...

Bên cạnh những mặt tích cực, thì việc sinh viên đi làm thêm cũng có thể làm ảnh hưởng sức khỏe, cũng như sao nhãng kết quả học tập. Có bạn vì quá ham kiếm tiền, bị ma lực đồng tiền thu hút mà bỏ bê luôn cả học hành. Thậm chí có bạn đi vào các con đường sai trái và kiếm tiền phi pháp.

Trên đây là các mặt tích cực và tiêu cực của việc sinh viên đi làm thêm. Mình vẫn thích các bạn sinh viên có đi làm thêm hơn, dù ít hay nhiều. Vì trong hành trình 4 năm đi học, chắc chắn bạn sẽ có khoảng thời gian trống. Và dù bạn chọn thế nào, thì vẫn phải nhớ việc học là quan trọng nhất, là ưu tiên hàng đầu để không làm mọi thứ xôi hỏng bỏng không nhé!

Chúc các bạn thành công.

Bài viết liên quan