Bí quyết phỏng vấn xin việc trái nghành

xin việc trái nghành

Trong bài viết sinh viên có nên làm trái ngành khi mới ra trường, mình có chia sẻ đến các bạn góc nhìn được mà mất khi làm việc trái nghành để các bạn có thể căn cứ vào thực tế của bản thân để đưa ra quyết định phù hợp. Mọi người có thể xem lại bài viết đó nhé!

Và trong bài này, mình muốn nhắc đến một khía cạnh khác của việc làm trái nghành, đó chính là khi đã chấp nhận làm việc trái nghành vậy thì cần chuẩn bị gì để có thể có buổi phỏng vấn thành công. Mình cùng bắt đầu bài học ngày hôm nay.

Chuẩn bị tâm lý và hạn chế cái tôi cá nhân

Khi bạn chấp nhận đi phỏng vấn xin việc trái ngành, tức là bạn phải bỏ qua những chuyên môn mà bạn đã được đào tạo ở trường. Lúc này, tấm bằng tốt nghiệp của bạn chỉ còn mang ý nghĩa là trình độ văn hóa chứ không còn là trình độ chuyên môn nữa.

Phỏng vấn xin việc trái ngành đồng nghĩa bạn phải bắt đầu lại từ con số 0 khi đi xin việc. Vì vậy bạn phải chuẩn bị tâm lý khi đi phỏng vấn bạn có thể bị nhà tuyển dụng xem như là một người chưa biết gì, chưa có kinh nghiệm gì để không cảm thấy bị tổn thương hoặc không làm chủ được cảm xúc.

Cái tôi luôn có trong mỗi người, nó sẽ trỗi dậy khi bị chạm vào tự ái. Nên hãy dặn lòng kỹ là bạn đã sẵn sàng bắt đầu lại từ đầu, đã sẵn sàng nếu bị nhà tuyển dụng đánh giá và đối xử như một người mới hoàn toàn.

Đi phỏng vấn xin việc trái nghành mà cá nhân bạn chưa giải tỏa được tâm lý này thì mình khuyên bạn chưa nên đi tìm việc. Nếu không sự mâu thuẩn trong bạn sẽ khiến bạn không thể thể hiện tốt trong buổi phỏng vấn và khó để có thể thuyết phục được nhà tuyển dụng chọn bạn.

Hãy nhớ, quyết định đi phỏng vấn xin việc trái nghành là do bạn chọn và bạn chấp nhận nó. Bạn đã lên một kế hoạch rõ ràng cho chặng đường tiếp theo. Tức là ít nhất bạn đã có sự tính toán kỹ lưỡng chứ không đơn thuần là thử cho vui coi sao.

Ví dụ, khi có công việc rồi bạn sẽ đi học để bổ sung kiến thức mới cho phù hợp chuyên môn mới để theo đuổi và phát triển với công việc trái nghành. Hoặc sẽ vẫn học nâng cao chuyên môn cũ và cần thêm thời gian để quay trở lại.

Như đã nói ở trên, khi bạn muốn phỏng vấn xin việc trái nghành tức là mục tiêu nghề nghiệp của bạn đã thay đổi, ít nhất là trong ngắn hạn. Nên bạn cần phải thay đổi phần này trong CV của bạn. 

Chỉnh sửa lại CV cho phù hợp

Khi đi phỏng vấn xin việc trái nghành, thì điều đầu tiên quan trọng nhất là bạn cần phải chỉnh sửa lại CV phỏng vấn xin việc của mình. Bởi vì khi chọn phỏng vấn xin việc trái nghành tức là bạn đã thay đổi mục tiêu của mình.

Các mục mình gợi ý các bạn cần sửa và nên cân nhắc điều gì nên show ra và điều gì không. Cùng tham khảo một vài ví dụ sau. Lưu ý phần ví dụ này chỉ mang tính chất tham khảo, còn tuỳ thực tế cá nhân bạn để tự đưa ra quyết định bạn nha.

Bằng cấp chuyên môn:  Theo cá nhân mình thì bạn nên xem xét kỹ lưỡng việc có cần show hết trình độ bằng cấp của bạn hay không. Vì đôi khi bằng cấp quá cao chính là thứ gây bất lợi cho bạn trong buổi phỏng vấn.

Mình đã từng tư vấn cho một bạn sinh viên mới ra trường, có bằng cao học chuyên ngành sư phạm. Nhưng bạn ấy lại không thích hay nói thẳng ra là ghét ngành này. Ngày xưa đi học do ba mẹ ép. Nên giờ định tìm công việc khác làm rồi bạn sẽ định hướng lại bản thân.

Công việc bạn ấy nhắm đến là làm tư vấn tuyển sinh cho một trung tâm tiếng Anh với mức lương trung bình và có bonus khá hấp dẫn. Tuy nhiên, kết quả phỏng vấn đã không đạt. 

Sau khi cùng bạn ấy phân tích, thì trong quá trình phỏng vấn, nhà tuyển dụng cứ xoáy sâu vào cái bằng cao học của bạn. Họ e ngại bạn này sẽ không chịu khó và khó có khả năng gắn bó khi trong tay có bằng cao học. 

Và trong lần phỏng vấn thứ hai, mình đã tư vấn bạn ấy chỉ ghi ở mục bằng cấp là đại học. Vì trong yêu cầu tuyển dụng họ chỉ cần bạn có bằng THPT. Đây không phải là nói dối, mà mình biết thu mình lại một chút cho phù hợp với lựa chọn của mình.

Sau đó bạn được nhận làm, rồi sau hơn 1 năm bạn đã trở thành teamleader của team tư vấn tuyển sinh. Lúc thi thăng cấp, trong phần khai báo lại CV thì bạn đã show ra tấm bằng Cao học chuyên nghành sư phạm của mình. Và nó đã trở thành lợi thế giúp bạn ấy trong việc đào tạo cho đội ngũ nhân viên mới dưới cấp của bạn ấy.

Mục tiêu nghề nghiệp: Như đã nói ở trên, khi bạn muốn phỏng vấn xin việc trái nghành tức là mục tiêu nghề nghiệp của bạn đã thay đổi, ít nhất là trong ngắn hạn. Nên bạn cần phải thay đổi phần này trong CV của bạn. Bởi vì đây là một phần cũng sẽ được nhà tuyển dụng chú ý khi xem và sàng lọc CV. Họ sẽ e ngại việc bạn chỉ xem công việc mà bạn sắp ứng tuyển là làm tạm bợ, làm thử cho vui.

Và một số phần khác nữa, bạn có thể linh động để xem xét điều chỉnh nhé!

Vậy, kinh nghiệm rút ra là khi đi phỏng vấn xin việc trái nghành hãy đọc kỹ các yêu cầu trong phần mô tả công việc. Sau đó, bạn hãy điều chỉnh lại một số mục trong CV như: Bằng cấp, kinh nghiệm làm việc, mục tiêu nghề nghiệp…của bạn cho phù hợp với yêu cầu đó bạn nhé! Có những thứ bạn che bớt đi không phải là nói dối mà thể hiện sự khiêm tốn và cho phù hợp với công việc mình đã chọn.

Chuẩn bị lý do vì sao bạn xin việc trái ngành

Câu hỏi tại sao bạn chọn công việc này trong khi nó không liên quan đến chuyên nghành bạn được đào tạo, cũng như không đúng với kinh nghiệm bạn đã có…là một câu hỏi chắc chắn sẽ được nhà tuyển dụng nhắc đến trong buổi phỏng vấn xin việc làm.

Vậy thì nên nói thật hay nói dối. Theo mình thì bạn có thể thẳng thắn chia sẽ lý do bạn đưa ra quyết định như vậy. Điều quan trọng nhất là bạn phải thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy quyết định đi phỏng vấn xin việc trái nghành của bạn là một quyết định đã được cân nhắc rất kỹ lưỡng và bạn hoàn toàn nghiêm túc với nó.

Thứ hai nữa là, bạn phải sẵn sàng tâm lý cho một mức lương thấp hơn mức mong đợi. Và nên tìm hiểu trước khi đi phỏng vấn để không mất thời gian. Thậm chí có bạn còn chấp nhận làm như một nhân viên intern (nhân viên thực tập, học nghề) để lấy kinh nghiệm và khi có cơ hội sẽ được đánh giá để trở thành nhân viên chính thức.

Một số ít khác chọn làm trái nghành vì chọn công việc có mức bonus hoặc hoa hồng cao. Ví dụ như làm kinh doanh bất động sản, tư vấn bảo hiểm, bán hàng đa cấp…Thường các công ty này không có lương cứng hoặc lương cứng rất thấp. Không sao cả, quan trọng là bạn đã quyết tâm và sẵn sàng dấn thân chứ không phải là dạng muốn việc nhẹ lương cao là được.

Có rất rất nhiều lý do để bạn bắt đầu lại, chọn phỏng vấn xin việc trái nghành. Có bạn thì vì muốn tìm một nghề nghiệp phù hợp hơn, có bạn vì thích công việc năng động bonus cao…Tất cả lý do đều tuyệt vời các bạn ạ. Nhưng đừng làm gì mà không có mục tiêu, làm theo phong trào. Và phải dựa trên điểm mạnh, điểm yếu của bạn thân thì bạn hãy tin rằng cứ đi rồi sẽ đến. Chúc bạn thành công.

Bài viết liên quan