Bạn đi làm vì tiền hay vì đam mê?

Trong bài viết Bạn đi làm vì điều gì, mình đã từng có nhắc đến một số nội dung chính như là: Bạn đi làm vì lương có gì sai không? Đi làm vì đam mê, có hay không? Nếu bạn chưa xem thì có thể xem lại nhé! Và trong bài này, mình lại tiếp tục huyên thuyên một lần nữa về câu chuyện mắc kẹt giữa tiền và đam mê của đa số những người đi làm như chúng ta.

Đi làm là gì?

Không có định nghĩa chuẩn nào về việc đi làm hết, cho nên nội dung này là mình đưa ra dựa trên quan điểm cá nhân để các bạn cùng tham khảo thôi mọi người nha. Nếu bạn có thêm ý kiến hay đóng góp nào khác hãy comment bên dưới bài viết để mình và mọi người được ghi nhận thêm ý kiến đa chiều từ các bạn.

Đi làm có thể hiểu đơn giản là cách để nói về việc một ai đó hàng ngày đi đến nơi gọi là công ty để thực hiện các công việc hoặc nhiệm vụ theo đúng chức năng mà mình được phân công theo đúng kiến thức, năng lực, kinh nghiệm của bản thân.

Đi làm sẽ được người đời nhìn nhận là nó có công ăn việc làm ổn định, có tiền đều đều hàng tháng đổ vào tài khoản ngân hàng, hay còn gọi là lương. Người đi làm còn có cơ hội phát triển bản thân, thăng tiến  thành ông này bà nọ.

Khi đi làm, bạn sẽ có 1 nơi gọi là chốn công sở như một xã hội thu nhỏ với rất nhiều đồng nghiệp từ tốt đến xấu. Và xoay quanh vòng tròn đó là vui buồn, hỷ nộ ái ố có đủ cả. Bạn được se sua áo quần đẹp mỗi ngày, được đi chơi chung, được đi du lịch, được chúc mừng sinh nhật...Nói chung là không bị cô đơn.

Đam mê là gì?

Trong khuôn khổ bài viết này thì mình sẽ giới hạn định nghĩa đam mê trong khía cạnh công việc. Vậy thì đam mê có thể hiểu là sự yêu thích, khát khao mãnh liệt được thực hiện, dấn thân đối với công việc mà bản thân mình sẽ làm và đang làm. Sở thích có thể thay đổi theo thời gian, theo từng hoàn cảnh và giai đoạn tuổi tác; Nhưng đam mê sẽ đi cùng ta suốt cuộc đời.

Những câu nói về đam mê trong công việc nổi tiếng như: Nếu bạn được làm công việc mình yêu thích thì cả đời sẽ không phải làm việc ngày nào - John F. Kennedy

Một câu nói khác cũng rất hay: Công việc sẽ chiếm phần lớn cuộc đời bạn, và cách duy nhất để thỏa mãn nó là làm những gì bạn tin rằng đó là công việc tuyệt vời. Và cách duy nhất để cảm thấy công việc đó tuyệt vời là yêu những gì bạn làm. Nếu bạn vẫn chưa tìm thấy nó, hãy cứ tiếp tục tìm kiếm. Đừng dừng lại. Và trái tim sẽ mách bảo bạn, khi bạn tìm thấy nó - Steve Jobs.

Khi làm việc vì đam mê thì bạn sẽ luôn kể về các công việc, các dự án mình đang làm nếu có cơ hội. Bạn sẽ không ngại bất kỳ khó khăn nào và luôn sẵn sàng tìm cách để hoàn thành và tiến về phía trước. Nhờ sự đam mê này mà bạn luôn có nhiều sự sáng tạo, mang lại nhiều giá trị cho chính bản thân, công ty và rộng hơn là cho xã hội.

Sinh viên mới ra trường nên chọn công việc lương cao hay công việc đúng đam mê?

"Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn" - Câu nói rất đơn giản của chàng Rancho - nhân vật chính trong bộ phim 3 Idiots (Ba chàng ngốc) của Ấn Độ đã trở thành trend trong một thời gian dài về định nghĩa thành công. Tuy nhiên, cuộc đời thì không đẹp như trong phim.

Theo cá nhân mình thì hoàn toàn đồng ý với câu nói này, nhưng phải mở rộng góc nhìn và áp dụng tuỳ từng trường hợp, từng hoàn cảnh thì chính xác hơn. Đôi khi, bạn phải chọn công việc để mình có thể sống được, tự lo cho bản thân và gia đình trước; Với trường hợp này đam mê cũng vẫn ở đó, và nó ngày càng rõ nét hơn. Đến một lúc đúng thời điểm, bạn bắt tay thực hiện nó cũng không muộn.

Có nhiều người đi gần hết cuộc đời mới thực sự nhận ra đâu là đam mê của mình. Nên đôi khi chính bản thân chúng ta cũng bị nhầm lẫn về một điều gì đó mà bản thân nghĩ là đam mê, nhưng rồi nhận ra là không phải. Cũng chẳng sao cả, cuộc đời là những phép thử, hạnh phúc là một hành trình mà.

Đam mê phải ăn được - Đây có thể xem là một cách nói vui để bạn cần thực tế hơn. Điều này có nghĩa là nếu bạn bị áp lực về cái ăn, cái mặc hàng ngày, nặng gánh gia đình thì hãy thu xếp cho xong bài toán đó đã. Đừng thực hiện đam mê với cái bụng trống rỗng. Trừ khi bạn có điều kiện và được quyền sai, được quyền thử thách nhiều lần mà không phải lo nghĩ gì thì quá tuyệt vời.

Bạn đi làm vì tiền hay vì đam mê?

Tất nhiên, nếu được đi làm công việc đúng sở trường, đúng đam mê và thu nhập tốt thì là tuyệt vời nhất rồi đúng không? Nhưng như mình nói, thực tế nhiều người chúng ta học ra trường thường không có quá nhiều lựa chọn. Trừ một số bạn xuất sắc, có định hướng nghề nghiệp ban đầu tốt, xác định được đúng đam mê từ đầu.

Nhiều người đi làm xác nhận rằng, tiền chính là động lực đầu tiên để họ quyết định việc chọn một công việc và cố gắng hoàn thành tốt các chỉ tiêu, KPI mà công ty đưa ra. Nhưng theo thời gian, người ta sẽ bắt đầu nghĩ đến môi trường làm việc, sự cân bằng (balance) giữa công việc và cuộc sống.

Theo một thống kê không chính thức thì trên 50% các bạn ra trường và đi làm trái nghành hoặc lựa chọn công việc vì thu nhập là ưu tiên 1. Trải qua nhiều công việc, nhiều thăng trầm và sau khi đã tích luỹ được cơ bản sự ổn định về tài chính thì họ bắt đầu quay về với đúng đam mê của mình. Không đi đường thẳng thì đi đường vòng cũng chẳng sao.

Quan sát các bạn gen Z bây giờ, thì mình thấy nhiều bạn rất sẵn sàng thử thách và sống với đam mê ngay từ đầu. Một phần các bạn được định hướng tốt hơn, các thông tin nghề nghiệp nhiều hơn, điều kiện và sự hỗ trợ từ gia đình tốt hơn thế hệ trước. Đây cũng là tín hiệu tích cực, các bạn ít chạy theo thành tích và bằng cấp như trước đây và không xem việc phải có công việc, phải đi làm văn phòng ngày 8 tiếng là định nghĩa của sự ổn định.

Mình xin trích phần kết mà mình đã từng nhắc đến: Đi làm thực chất là một cuộc tìm kiếm, không chỉ kiếm mỗi tiền, mà còn tìm kiếm ý nghĩa và giá trị của việc mình đang làm, tìm sự phấn khích với những điều mình chưa biết, chưa thấy bao giờ; chứ không phải uể oải làm việc mỗi ngày chỉ để đổi lấy tiền - Trích từ sách Working của Studs Terkel.

Tất cả quyết định của mỗi cá nhân sẽ không có đúng sai, mà là có phù hợp với năng lực, hoàn cảnh, khả năng tài chính của bản thân vào thời điểm đó hay không mà thôi. Hãy dấn thân, tiến về phía trước và thành công theo cách mình muốn bạn nhé!

Nếu bạn có thêm bất kỳ đóng góp nào cho chủ đề này thì hãy để lại comment bên dưới nhé để bổ sung thêm nhiều góc nhìn đa chiều hơn. Mình rất vui và trân trọng điều đó!

Bài viết liên quan