Bạn cần tìm hiểu gì về công ty trước khi đi phỏng vấn?

Trong bài học 6 bước chuẩn bị cho buổi phỏng vấn thành công, chúng ta cũng đã có nhắc đến việc cần tìm hiểu về công ty trước khi đi phỏng vấn. Trong bài học này mình sẽ làm rõ hơn là cụ thể cần tìm hiểu những thông tin gì và để làm gì. Mình cùng bắt đầu bạn nhé!

Tìm hiểu tổng quan về công ty

Bạn có thể tìm hiểu thông tin tổng quan về công ty mà bạn sẽ tham gia phỏng vấn ở trên wesite, trang Fanpage Facebook, LinkedIn của họ. Hầu như tất cả các công ty đều có phần này để khách hàng, đối tác, người tìm việc...và đặc biệt là Google có thể xem được.

Bạn đừng ngạc nhiên khi mình thêm Google vào trong này, bởi vì việc công ty đó có mặt trên các công cụ tìm kiếm sẽ giúp sản phẩm, dịch vụ của họ đến gần với khách hàng và người tiêu dùng hơn. Cho nên các nhà quản trị website cũng luôn tối ưu kỹ thuật để được Google để mắt và thu thập thông tin.

Có một số công ty, đặc biệt là công ty còn mang tính gia đình cao thì phần giới thiệu thường hay viết dài và rất dài, đôi khi bị lan man như một bức tâm thư vậy. Nên bạn cần có kỹ năng nắm bắt từ khóa để không mất thời gian. Ngược lại, một số ít công ty khác chưa có hoặc rất sơ sài  thường là các công ty start up hoặc mới thành lập.

Các nội dung bạn cần đọc qua đó là: Sứ mệnh, tầm nhìn, các giá trị cốt lõi, nhận diện được logo công ty, slogan, thời gian thành lập...Bạn không cần phải học thuộc mà chỉ cần nắm khoảng 3 ý chính là được. Ví dụ như công ty A định hướng trở thành là một nhà bán lẻ cung cấp sản phẩm cho mẹ và bé uy tín và chất lượng cao, công ty đã hoạt động được khoảng bao nhiêu năm, thế mạnh của công ty so với đối thủ cùng nghành là gì...

Việc tìm hiểu thông tin tổng quan về công ty sẽ giúp bạn một lần nữa xác định mình có phù hợp hay không. Bởi vì Con đường sự nghiệp (Career Path) của bạn cũng ít nhất phù hợp với chiến lược phát triển của công ty thì bạn mới có thể phát huy hết năng lực và gắn bó lâu dài. Nên hãy nghiêm túc tìm hiểu chứ đừng qua loa quá nhé!

Đặc thù nghành nghề

Có một số công việc khác đặc thù, nếu bạn không có sự am hiểu thì sẽ rất khó để có thể làm việc và phát triển tại đó. Nên bạn cần làm rõ là công ty chấp nhận người ngoại đạo như bạn thì họ có chiến lược đào tạo, coaching, hỗ trợ bài bản cho bạn trong thời gian đầu hay không.

Không phải cứ có kinh nghiệm nghành nào thì chỉ nên tìm việc xoay quanh nghành nghề đó. Tuy nhiên, vấn đề còn lại tiếp theo lại là ở cá nhân bạn. Hãy giành thời gian ngiên cứu trước về ngành nghề đang hoạt động của công ty mà bạn sắp đi phỏng vấn. Sẽ có những khó khăn và thuận lợi gì khi bạn được nhận và làm việc ở đây.

Đồng thời, cần nắm thêm quy mô thị trường, đối thủ cạnh tranh của công ty hiện tại và trong tương lai gần để bạn có cái nhìn tổng quan hơn khi trình bày trong buổi phỏng vấn. Nó thể hiện sự nghiêm túc, có đầu tư và rất sẵn sàng dấn thân của bạn, thay vì là may rủi, phỏng vấn đạt rồi tính tiếp.

Văn hóa doanh nghiệp

Một công ty lớn, lương cao nhưng không phù hợp với bạn thì mình tin chắc rằng bạn cũng sẽ sớm chia tay. Có trường hợp còn phải chia tay trong tình cảnh cơm không lành canh không ngọt khi hai bên bất đồng quan điểm nghiêm trọng.

Hiện tại, các công ty đều đang rất chú trọng đến việc xây dựng Văn hóa doanh nghiệp, nên bạn rất dễ dàng tìm hiểu và nhận diện nó qua các hoạt động phong trào, thi đua, đào tạo, phúc lợi và lộ trình thăng tiến cho nhân viên. Thường họ sẽ public trên website hoặc các kênh social netwwork.

Khi nắm bắt được cơ bản về Văn hóa doanh nghiệp mà bạn sẽ đi phỏng vấn, bạn sẽ dễ dàng ghi điểm hơn vì bạn có chút ít sự am hiểu về họ. Và trong quá trình phỏng vấn, bạn sẽ khai thác thêm từ nhà tuyển dụng để có cơ sở kết luận những gì lung linh trên blog công ty kia có thật hay không để cân nhắc offer nếu đạt phỏng vấn.

Xem các review công khai về công ty

Khi mà internet và smartphone đã trở thành thứ phổ biến hàng ngày của tất cả chúng ta, thì việc dành thời gian xem review về công ty nào đó trước khi đi phỏng vấn gần như được tất cả mọi người áp dụng. Mình thấy đây là điều tuyệt vời, vì nó giúp bạn có thêm nhiều thông tin đa chiều hơn.

Tuy nhiên, có một thực tế là khi bạn tìm từ khóa bất kỳ công ty nào đều luôn luôn thấy có gắn hậu tố "...lừa đảo" phía sau. Nguyên nhân là do người dùng hay lạm dụng từ khóa này để tìm kiếm, thứ hai là các SEOer hay có kiểu câu like tiêu đề sốc để tăng truy cập nên dẫn đến vấn nạn này.

Cho nên, lời khuyên của mình là bạn hãy đọc nhưng chỉ để có thêm thông tin tham khảo chứ đừng vội tin. Bởi vì đa số review là do một số nhân viên bất mãn hoặc đã nghỉ việc nên đôi khi họ viết thái quá hoặc trả thù công ty; Tất nhiên là vẫn có những review đúng sự thật. Nên bạn đừng hoang mang khi đọc chúng, hãy dùng lý trí của bạn để đánh giá khi đã đi phỏng vấn trực tiếp thì sẽ chính xác hơn.

Mạng xã hội, các thông tin trên internet bây giờ luôn có 2 mặt. Người người, nhà nhà đều có thể dễ dàng nêu lên quan điểm cá nhân của mình cho nên đôi khi những gì bạn đọc, bạn xem mới một nữa là sự thật. Hãy là một người đọc thông minh bạn nhé.

Và điều quan trọng cuối cùng mình muốn nhắc đến đó là nhà tuyển dụng không phải muốn nghe bạn đọc lại thao thao bất tuyệt về những thông tin của công ty như bạn trả bài môn lịch sử. Mà từ những dữ liệu đó, bạn sẽ có những nhận định, phân tích, đánh giá của riêng mình để thiện hiện trong buổi phỏng vấn. Mình tin bạn sẽ được đánh giá cao. 

Nếu bạn có đóng góp hoặc có bất kỳ thắc mắc nào về nội dung bài học, vui lòng để lại comment bên dưới, mình sẽ cố gắng trả lời cho các bạn trong thời gian sớm nhất. Chúc các bạn có một buổi phỏng vấn thành công.

Bài viết liên quan