Có nên làm việc trái ngành khi mới ra trường?

Có nên làm việc trái ngành

Hơn 14 năm mài đũng quần ở ghế nhà trường, một số ít may mắn có được công việc theo mong muốn và đúng chuyên nghành, còn lại đa số vẫn phải loay hoay với bài toán tìm việc. Bởi vì lúc này bạn không thể sống bằng trợ cấp tài chính từ gia đình như thời sinh viên được nữa.

Ra trường rồi, chuyện cơm áo gạo tiền luôn luôn ám ảnh chúng ta. Cho nên việc phải xin được một công việc là ưu tiên hàng đầu. Và một câu hỏi mà nhiều bạn đặt ra khi đi xin việc là: Có nên làm công việc trái ngành khi mới ra trường?

Rời giảng đường đại học, bạn có gì trong tay?

Một tấm bằng và một mớ kiến thức hỗn độn chưa được hệ thống hóa. Cũng dễ hiểu, bởi vì trong quá trình đi học, bạn phải học quá nhiều môn như toán cao cấp, triết học, giáo dục quốc phòng...sau đó mới đến các kiến thức chuyên nghành. 

Rồi nào là thi cử, thực tập, làm đồ án...Bạn phải chạy đua với thời gian nên việc hệ thống hoá lại kiến thức chuyên môn một cách bài bản thì rất ít bạn làm được. Tôi không quy chụp, nhưng đa số là như vậy. 

Và theo một khảo sát không chính thức, thì có tới hơn 40% sinh viên học một ngành mà không dựa trên các điểm mạnh cá nhân. Đa số các bạn chọn nghành không có quá nhiều thông tin, cũng như không được định hướng nghề nghiệp tốt khi còn học cấp 3. Đặc biệt là các bạn ở khu vực nông thôn.

Và thế là các bạn chọn ngành học vì nghĩ rằng hiện tại nó đang hot, nhưng không biết sau này sẽ ra sao. Rồi có bạn thì chọn ngành vì theo bạn bè, một nhóm chơi thân ba đứa nên chọn chung để đi học cho vui. 

Một số khác thì học vì không đủ điểm vào ngành khác, nhưng áp lực phải đậu đại học nên chọn đại. Thậm chí học vì cha mẹ thích nó, trường hợp này ít nhưng vẫn có xảy ra.

Nếu bạn rơi vào một trong các trường hợp ví dụ trên, thì việc khi ra trường phải đi làm trái nghành là thực tế có thể bạn phải chấp nhận.  Vì chuyên ngành bạn học nó không dựa trên sở trường và đam mê của bạn.

Có nhiều người ra trường, đi làm nhiều năm mới biết mình thích làm gì, phù hợp với nghành nào. Có thể là hơi trễ nhưng không quá muộn đâu bạn ạ. Vì đơn giản bạn dám bắt đầu lại một cách đúng đắn hơn thay vì đi làm mà suốt đời căm ghét công việc đó.

Công việc mình chọn thì họ không chọn mình

Ai ra trường cũng có một ước mơ: công việc ổn định, đúng ngành nghề, thu nhập cao, phúc lợi tốt...Nhưng, thực tế thì không đẹp như vậy. Bạn phải đi rải hồ sơ trực tiếp khắp nơi, đăng thông tin lên trên tất cả các website tìm việc làm, mạng xã hội. Nhưng rồi bạn không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ những công ty bạn chọn.

Nếu đúng như vậy thì bạn cũng đừng vội thất vọng. Vì bạn ra trường phải cạnh tranh với rất rất nhiều người khác cũng đang tìm việc như bạn. Đặc biệt là những thành phố lớn thì tỷ lệ này càng cao ngất ngưỡng. 

Lúc này, bạn hãy dành thời gian để đánh giá năng lực bản thân còn những hạn chế gì? Các kiến thức học ở trường, kinh nghiệm làm đồ án và thực tập đã cho bạn được gì không? Nếu bạn cảm thấy chính mình đang chưa ổn, thì việc làm một công việc chưa thực sự như mong muốn để cho bản thân thêm thời gian cũng là một lựa chọn không tồi đâu bạn.

Nên chọn công việc trái nghành hay thất nghiệp chờ cơ hội?

Sau một thời gian dài chờ đợi, hy vọng mình có thể may mắn tìm được một công việc như ý nhưng không thành. Có thể một số bạn sẽ bắt đầu cảm thấy chán nản. Lúc này có hai trường hợp xảy ra.

Trường hợp 1: 

Với một số bạn mà gia đình có điều kiện kinh tế tốt, khi thất nghiệp thì chúng ta thường có tâm lý về quê, về với gia đình vì có ba mẹ lo. Ăn chơi cho đã trước, rồi nếu gia đình có kinh doanh gì đó thì phụ buôn bán gì đó và theo nghề của cha mẹ. 

Thời gian cứ thế trôi qua, rồi lập gia đình, sinh con đẻ cái, cũng chả màng tới tấm bằng lúc ra trường nó nằm ở đâu. Nếu may mắn có cơ hội thừa kế cơ ngơi và cơ hội kinh doanh tốt xem như như ổn. Còn một số kém may mắn thì có việc gì làm việc đó cho qua ngày đoạn tháng. Và càng ngày thì kiến thức lại càng mai một, tụt hậu. Muốn quay lại tìm việc càng khó hơn.

Và, đến một lúc nào đó, ai cũng phải đi qua chuyến đò cuối cùng của đời người. Đó là chết đi. Nhưng, một số bạn sẽ chết đi với một giấc mơ thời đại học còn dang dỡ.

Trường hợp 2: 

Một số khác chọ một công việc nào đó để làm như: Làm bán hàng, sales bất động sản, nhân viên kinh doanh...rất thường xuyên tuyển dụng, không yêu cầu kinh nghiệm nhưng tuổi đời khá ngắn. 

Đặc thù các công việc này là chấp nhận sinh viên mới ra trường, áp lực cao, thu nhập thường ở mức trung bình, hoặc có hoa hồng thì phải chạy doanh số. Nhưng cái bạn được là có một môi trường thực tế để trải nghiệm, nâng cao kỹ năng xử lý tình huống và ít nhất là tự nuôi được bản thân ở mức cơ bản. 

Có thể bạn sẽ được phát triển nghề nghiệp tại nơi này, hoặc có thể bạn sẽ tranh thủ thời gian rảnh để đi học thêm các khóa nghiệp vụ chuyên môn nhằm hoàn thiện các lỗ hỏng kiến thức, sau đó tìm một môi trường mới để phát triển.

Chọn phương án nào chắc chắn là quyết định của bạn. Nhưng cá nhân mình nghĩ là không nên chọn thất nghiệp, cũng đừng chọn học tiếp cao học khi bạn chưa từng đi làm bao giờ. Nếu không có con đường thẳng thì hãy đi đường vòng, đừng dừng lại bạn nhé!


Bài viết liên quan