Có nên làm công việc Telesales?

Có nên làm công việc Telesales?


Ra trường với tấm bằng kỹ sư môi trường loại trung bình, chưa biết đi đâu về đâu thì Lan nhận được cuộc gọi mời phỏng vấn vị trí telesales sản phẩm sữa cho trẻ khá nổi tiếng. Sau hơn 2 tháng thất nghiệp, cô quyết định sẽ đi phỏng vấn. Hy vọng có một công việc để đi làm cho có với người ta.

Để đi đến quyết định có nên chọn công việc trái nghành khi mới ra trường hay không đối với cô là một quyết định khó khăn. Nên Lan rất chú trọng khâu chuẩn bị, nào là quần áo trang phục, tìm hiểu về công ty, chỉnh sửa lại CV. Rồi sau đó là lên mạng nghiên cứu về bí quyết chuẩn bị cho buổi phỏng vấn xin việc thành công. Tất cả mọi thứ đã sẵn sàng.

Và rồi, ngày ấy cũng đã đến. Vào một chiều mùa thu nắng nhẹ, cô nhận tin báo mình đã đạt phỏng vấn và được mời đi training nghiệp vụ một tuần. Sau đó sẽ có một bài test nhỏ để công ty đánh giá lại một lần nữa trước khi chính thức được làm việc. Và hành trình bắt đầu. 

Cùng theo dõi câu chuyện của Lan, những khó khăn và áp lực mà cô đã trải qua. Bạn sẽ tự trả lời cho bản thân là có nên làm telesales hay không?

Cảm xúc của ngày nhận kết quả đậu phỏng vấn

Chúc mừng bạn đã có kết quả phỏng vấn thành công tại công ty chúng tôi. Đó là thông điệp mà bất kỳ ai đi xin việc đều muốn nghe. Với Lan cũng vậy, cô vô cùng hạnh phúc và vui sướng. Chiều đó, cô tự thưởng cho mình một chầu trà sữa yêu thích cùng đám bạn thân. 

Tuy nhiên, khi cảm xúc đi qua cô bắt đầu cảm thấy hơi lo lắng cho hành trình chuyển hướng mới toanh của mình. Nghề telesales là làm gì? Cô có làm được hay không? Gạt bỏ hết các lo lắng, Lan tự dặn lòng mình đã rất nghiêm túc và sẽ cố gắng hết sức thì sẽ vượt qua được thôi mà.

Hành trình học việc

Xin lỗi em, chị đang bận gọi lại sau nha; Em ơi, chị không có nhu cầu, đừng gọi chị nữa, phiền quá; Em ơi, chị đang họp không nói chuyện điện thoại được...Hàng trăm lý do mà khách hàng từ chối khi các bạn telesales gọi ra cho khách hàng mà cô nghe được trong đoạn ghi âm của các bạn đang làm tại dự án. Bài học hôm nay Lan được học là kỹ năng xử lý từ chối khi gọi điện thoại cho khách hàng.

Cô bắt đầu hơi hoang mang và quay sang nhìn mấy bạn xung quanh, ai cũng mắt tròn xoe, mồm chữ a. Và chiều hôm đó sau giờ nghỉ trưa quay lại, cô không thấy hai người bạn ngồi học gần mình nữa, hình như họ đã bỏ cuộc. Lớp học chỉ còn 6/10 bạn.

Rồi cô được giáo viên dẫn đi một vòng tham quan khu vực làm việc thực tế. Xem các bạn đang làm như thế nào. Và sau đó được ngồi cạnh các nhân viên nghe các tình huống thực tế khi gọi khách hàng. Tối hôm đó, cô về nhà và vẫn mông lung với suy nghĩ liệu mình có vượt qua được không? Sau một hồi, cô đưa ra quyết định cuối cùng là sẽ theo tới cùng để biết bản thân là ai.

Có lẽ điều níu giữ cô ở lại lúc này chính là người giảng viên đứng lớp rất nhiệt tình và các bạn hỗ trợ trong dự án. Dù cô là người khá mới với công việc telesales, nhưng được chỉ bảo rất tận tình và chu đáo. Cô không còn cảm giác lo lắng mà thay vào đó là cảm giác khá yên tâm cho chặng đường sắp tới.

Đơn hàng đầu tiên, tháng lương đầu tiên

Ngày làm việc đầu tiên là 8 tiếng mà với Lan nó dài như 24 tiếng vậy. Data hôm nay cô được nhận là data được đánh dấu "refuse no need" tức là khách hàng từ chối vì chưa có nhu cầu. Bởi vì cô là người mới, nên phải phải tập xử lý với data cũ chứ chưa được cấp data tiềm năng. Vì công ty sợ các bạn chưa đủ kỹ năng sẽ làm mất khách hàng.

Và câu trả lời khách hàng nói với Lan nhiều nhất hôm nay là chị không quan tâm em ạ. Cô bạn đồng nghiệp kế bên quyết định ngừng gọi vì cảm thấy stress nặng. Riêng cô, quyết định vận dụng lại hết kiến thức mình đã học, cô nhìn vào chiếc gương nhỏ đặt trước mặt và tự mỉm cười thật tươi trước khi bắt đầu cho cuộc gọi cuối cùng của ngày làm việc.

Em lên đơn hàng cho chị nhé! Lan tưởng mình nghe nhầm và lặp lại nhiều lần câu hỏi xác nhận với chị khách dễ mến. Ngày làm việc đầu tiên kết thúc trong sự hân hoan. Rồi cứ sau 2 đến 3 ngày, các người mới như cô lại được coaching lại để có thể xử lý tốt các tình huống phát sinh trong quá trình làm việc.

Mặc dù đã nỗ lực rất nhiều, nhưng kết quả performance tháng đầu tiên Lan chỉ đạt 90%. Tuy nhiên vẫn được đánh giá là khá bản lĩnh trong số các bạn mới. Và tháng đó, cô chỉ nhận được mức lương cơ bản. Nhưng có lẽ cô đã tự tin hơn nhiều và rất sẵn sàng cho tháng thứ 2.

Hành trình trở thành teamleader

Tháng thứ hai là tháng kết thúc thời gian thử việc, Lan đã pass probation (Đạt thử việc và được nhận chính thức) với kết quả hoàn thành 101% target (chỉ tiêu). Cùng đợt vào làm với cô chỉ còn lại cô và một bạn nữa tiếp tục với hành trình công việc telesales này.

Mức bonus hấp dẫn khi hoàn thành target làm cô thêm động lực. Đồng thời nó cũng thể hiện sự chiến thắng bản thân. Khi cố gắng hết mình với công việc, với mục tiêu thì cảm giác chiến thắng thật sự rất rất tuyệt vời.

Trong quá trình làm việc tai đây, hơn ai hết thì Lan hiểu được những khó khăn của người mới gia nhập nghề nên luôn cố gắng hỗ trợ họ tốt nhất trong khả năng có thể. Vì thế, cô được đồng nghiệp yêu quý và đánh giá cao. Sau gần một năm gắn bó, cô đã ứng viên và phỏng vấn thành công lên vị trí teamleader và phát triển với nó.

Từ nghề thành nghiệp

Khi mới ra trường, Lan chưa nghĩ sẽ có thể theo đuổi lâu dài với nghề telesales này vì với cô nó khá mới mẻ. Nhưng cô rất nghiêm túc cho hành trình bắt đầu của mình và luôn nỗ lực hết mình với nó. Rồi, chính công việc, môi trường làm việc và những đồng nghiệp đã làm cô yêu nó lúc nào không hay.

Có những thời điểm khó khăn và không hoàn thành target, cô muốn bỏ cuộc. Có những đêm cuối tháng, chốt đơn và lên đơn còn ám ảnh cô cả trong giấc ngủ. Nhưng sau đó lại quyết định tiếp tục dấn thân và hành trình cứ thế tiếp tục.

Có hay không thành công là sự may mắn

Theo dõi một hành trình dài của Lan với nghề telesales thì đúng là có yếu tố may mắn vì cô có các đồng nghiệp tốt, môi trường thân thiện, data thực và sản phẩm có uy tín... Nhưng rõ ràng sự nỗ lực, sức bền, ý chí quyết tâm và ham học hỏi của cô mới là điều quan trọng nhất để cô có mức thu nhập tốt và theo đuổi nó thành một nghề.

Có lẽ đọc đến đây, bạn nghĩ tôi đang kể một câu chuyên cổ tích. Bạn nói đúng đó, nhưng nó đúng với những người lười hoặc đam mê nữa vời các bạn ạ. Công việc nào và hành trình nào cũng có khó khăn cả. Nghề telesales cũng vậy, nó đòi hỏi một sự chăm chỉ, sự kiên trì, biết vượt qua cảm giác lo sợ chủ quan và có mục tiêu rõ ràng với việc chạy doanh số.

Nếu bạn đã nỗ lực hết mình nhưng vẫn không hoàn thành tốt kết quả nhiều tháng, thì việc bạn bỏ cuộc và không theo đuổi tiếp nghề telesales cũng là điều hoàn toàn bình thường. Do công việc này tính đào thải cao và cũng có thể do không đúng đam mê của bạn.

Tôi chỉ phê phán một số bạn, vài tháng lại đổi một công ty, nghề nào cũng khó, nghề nào cũng không hợp, môi trường nào cũng chán. Nếu bạn đang như thế thì hãy nghiêm túc xem xét lại bản thân. Nếu không tự giải quyết được những vấn đề này trong bạn thì bạn không phù hợp để đi làm đâu.

Và, chọn hay không chọn là quyền của bạn. Nên hay không nên cũng sẽ là quyết định của bạn dựa trên các điểm mạnh và định hướng cá nhân trong tương lai gần và xa hơn. Mình chỉ hy vọng, qua câu chuyện trên, ít nhiều sẽ mang đến cho bạn một góc nhìn rõ ràng hơn để dễ đưa ra quyết định là có nên làm telesales hay không.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về nội dung bài học này, vui lòng để lại comment bên dưới để mình cùng nhau trao đổi nhé! Chúc các bạn thành công.

Bài viết liên quan