Cần làm gì khi tất cả công ty bạn phỏng vấn đều bị tạch?

Nếu bạn đã tham gia nhiều cuộc phỏng vấn và đều không được nhận, đây là một tình huống khó chịu và có thể làm giảm sự tự tin của bạn. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng việc bị tạch không phải lúc nào cũng là do kỹ năng và kinh nghiệm của bạn. 

Có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả của cuộc phỏng vấn, chẳng hạn như số lượng ứng viên, nhu cầu công việc và văn hoá đặc thù của công ty, hoặc thậm chí là sự may mắn. Để giúp bạn vượt qua tình huống này, hãy tham khảo một số gợi ý bên dưới xem sao nhé!

Xem xét cách sửa đổi CV và thư ứng tuyển

Những yếu tố như kỹ năng giao tiếp, kinh nghiệm, sự tự tin và thái độ chuyên nghiệp được xem là rất quan trọng trong quá trình phỏng vấn tìm việc của bạn. Tuy nhiên, CV và thư ứng tuyển lại đóng vai trò giúp bạn mở cánh cửa đầu tiên khi tiếp cận với nhà tuyển dụng.

Tất nhiên, khi bạn đã được mời phỏng vấn đồng nghĩa CV của bạn cũng đã khá ổn đối với nhà tuyển dụng phụ trách sàng lọc ban đầu; Nhưng bạn cần lưu ý rằng, sau khi bạn phỏng vấn xong thì CV ấy sẽ được chuyển cho người phụ trách phỏng vấn vòng 2 về chuyên môn. Nên nếu bạn bị loại (fail) ở bước này, thì việc dành thời gian xem xét sửa đổi CV và thư ứng tuyển việc làm cũng được xem là cần thiết. Cùng tham khảo ba gợi ý sau đây thử xem bạn nhé!

Đọc lại CV và thư ứng tuyển của mình và xem xét các lỗi chính tả hoặc cấu trúc câu sai sót. Nếu có bất kỳ lỗi nào, hãy sửa chúng ngay lập tức.

Cập nhật CV và thư ứng tuyển của mình để phù hợp với vị trí công việc mà bạn đang ứng tuyển. Đảm bảo rằng những kỹ năng, kinh nghiệm và thành tựu của bạn liên quan đến công việc đó được đề cập rõ ràng.

Tránh viết một CV và thư ứng tuyển chung cho tất cả các vị trí công việc. Hãy tạo ra một CV và thư ứng tuyển riêng cho mỗi vị trí công việc khác nhau để phù hợp với yêu cầu của từng vị trí.

Hãy cố gắng giữ tinh thần tích cực

Phỏng vấn nhiều công ty mà bạn vẫn không đạt nơi nào trong một khoản thời gian dài, thường từ 2 tháng trở lên có thể khiến bạn cảm thấy thất vọng về bản thân, nghi ngờ về năng lực của mình và mất tinh thần. Đặc biệt là các bạn chưa có sự chuẩn bị tài chính an toàn cho thời gian thất nghiệp của mình.

Tuy nhiên, đây không phải là thời điểm để nản lòng. Bởi vì không chỉ việc phỏng vấn, mà trong tất cả khía cạnh cuộc sống, không phải lúc nào cũng may mắn thành công ngay từ lần đầu. Có rất nhiều lý do về việc bạn phỏng vấn chưa đạt như: Thị trường lao động đang ảm đạm, đa số các công ty ở trạng thái tạm đóng băng tuyển dụng; Hoặc có thể bạn đang chọn các công ty chưa thực sự phù hợp với bạn và cần thêm thời gian...

Hãy nhớ rằng bị tạch khi phỏng vấn ở bất kỳ công ty nào, không có nghĩa là bạn không có năng lực. Hãy tiếp tục tìm kiếm cơ hội khác và học hỏi từ những kinh nghiệm phỏng vấn trước đó để cải thiện kỹ năng của mình và điều chỉnh lại các yêu cầu, mục tiêu cho phù hợp.

Một tinh thần tích cực rất quan trọng trong việc tìm kiếm việc làm và trong tất cả các phương diện khác của cuộc sống. Hãy sẵn sàng đón nhận các thất bại trước mắt, tìm cách giữ tinh thần tích cực, chẳng hạn như tham gia các hoạt động giải trí, tập luyện thể dục hoặc bổ sung các kỹ năng còn chưa tốt của mình và chờ đợi cơ hội. Hãy tin, ngày ấy sẽ đến với bạn đúng thời điểm.

Tìm kiếm phản hồi và lời khuyên nếu có thể

Có một số bạn thì rất giỏi, nhiều kinh nghiệm thực chiến, tuy nhiên lại không thể hiện tốt trong buổi phỏng vấn trực tiếp dẫn đến tuột mất cơ hội. Cho nên, nếu bạn nhận được một số lời khuyên, lời góp ý chân thành từ nhà tuyển dụng thì bạn có thể ghi nhận nó và dành thời gian xem xét lại một cách nghiêm túc.

Không phải bất kỳ lời góp ý nào cũng hoàn toàn chính xác với bạn, nhưng rõ ràng nó cũng rất đáng tham khảo và bạn sẽ là người tự đánh giá lại bản thân. Không phải nhà tuyển dụng nào cũng sẵn sàng chia sẽ lý do tại sao bạn không đạt; Cho nên, hạn chế tối đa việc liên hệ để hỏi nhà tuyển dụng một cách cứng nhắc rằng: "Anh/chị vui lòng cho tôi biết chính xác lý do tại sao tôi lại không đạt phỏng vấn?"

Hoặc tuyệt vời hơn, nếu có bạn bè thân thiết đã từng phỏng vấn vị trí tương tự, hoặc bạn bè là các chuyên gia làm trong lĩnh vực Nhân sự và có kinh nghiệm phỏng vấn thì hãy nhờ họ chia sẽ thêm kinh nghiệm hoặc đưa ra lời khuyên về trường hợp của bạn để tháo gỡ nút thắt (nếu có) này.

Tham gia các khóa học và huấn luyện

Việc tham gia các khóa học và huấn luyện trong thời gian chờ phỏng vấn xin việc có thể là một cách tốt để cải thiện kỹ năng của bạn và chuẩn bị tốt hơn cho các cuộc phỏng vấn. Bởi vì, khi quay lại đi làm rồi, bạn sẽ không có thời gian để làm điều này. Đồng thời, việc bổ sung các kiến thức mới giúp bạn cảm thấy thời gian trôi qua có ý nghĩa và duy trì một tinh thần lạc quan, tích cực trong thời gian tìm việc.

Có một điều bạn cần phải cân nhắc là chi phí và thời gian trước khi đăng ký cho các khóa học này. Vì bạn đang không có nguồn thu nhập ổn định, hoặc số tiền tích luỹ còn khá ít thì hãy chọn các khoá học thực sự cần thiết để bổ sung các điểm yếu của bạn, bao gồm cả kỹ năng giao tiếp hoặc kiến thức chuyên môn. Chọn các khung thời gian phù hợp nếu khoá học kéo dài, tránh trường hợp khi bạn có việc làm mới thì phải bỏ ngang sẽ rất lãng phí.

Tóm lại, việc bị tạch khi đi phỏng vấn không phải là thất bại và không nên để nó làm giảm sự tự tin của bạn. Hãy xem quá trình đi phỏng vấn tìm việc ở nhiều nơi như là một bài học và động lực giúp nâng cao trải nghiệm, mở rộng mối quan hệ (netwoking), nó giúp bạn cải thiện kỹ năng của mình và tiếp tục tìm kiếm cơ hội khác phù hợp hơn.

Trên đây là một số nội dung chính mà mình đã cùng nhau trao đổi về chủ đề Cần làm gì khi tất cả công ty bạn phỏng vấn đều bị tạch? Mặc dù đã cố gắng kiểm tra kỹ nội dung cung cấp, tuy nhiên vẫn có thể có những sai sót nhỏ ngoài mong muốn, bạn có thể để lại phản hồi hoặc câu hỏi vào comment bên dưới để mình ghi nhận và giải đáp cho các bạn nhé! Chúc các bạn có một buổi phỏng vấn thành công.

Bài viết liên quan